Chương trình SPOT kỷ niệm ba thập kỷ trên quỹ đạo

Image Content

Theo GIM International - ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn 

Kể từ ngày vệ tinh SPOT 1 được phóng lên quỹ đạo 30 năm trước, tính tới thời điểm hiện tại các vệ tinh SPOT đã chuyển đổi sang dạng số hơn 700 lần tổng diện tích phần đất liền của trái đất, xác lập kỷ lục thế giới mới trong lĩnh vực quan trắc không gian. Câu chuyện về người tiên phong bắt đầu vào ngày 22/02/1986: Vệ tinh quan trắc trái đất đầu tiên của Châu Âu SPOT 1 rời bệ phóng từ sân bay vũ trụ Kourou trên khoang vận chuyển của tàu gắn tên lửa đẩy Ariane 1. SPOT 1 đã xác lập đường đi cho ba thập kỷ đổi mới kỹ thuật công nghệ và đặc biệt là phục vụ rất nhiều ứng dụng tối quan trọng của trái đất. Tới hôm nay SPOT 6 và SPOT 7 là hai biểu tượng mới thể hiện cho sự thành công và đổi mới của chương trình SPOT.

Hình ảnh vệ tinh SPOT thế hệ mới nhất SPOT 7.

Vệ tinh SPOT 1 được đề xuất ý tưởng và thiết kế bởi cơ quan không gian Pháp CNES (Centre National d’études Spatiales), được trang bị những tấm gương có thể điều chỉnh, cho phép vệ tinh có thể “nhìn” sang bên trái hoặc bên phải trên đường di chuyển của vệ tinh, và đặc điểm này làm cho SPOT 1 khác biệt với tất cả các vệ tinh quan trắc trái đất được phát triển cùng thời điểm. Chính nhờ vào phát minh công nghệ đặc biệt và đầu tiên này cho phép vệ tinh SPOT 1 có khả năng quan trắc lại mỗi vị trí trên trái đất sau 5 ngày bay cũng như cung cấp các phép đo độ cao địa hình trái đất. SPOT 1 có khả năng thu các tấm ảnh với độ phân giải lên tới 10 mét trên dải rộng 60 km, tỷ lệ giữa dải rộng/độ phân giải ảnh này thực sự là điểm độc đáo, và cũng chính tỷ lệ lý tưởng này là một trong những yếu tố quan trọng duy trì thành công cho chương trình SPOT trong ba thập kỷ tiếp theo.

PHỤC VỤ CHO DÂN SỰ

Mỗi vệ tinh thế hệ tiếp theo trong gia đình SPOT đều được cải thiện năng lực một cách toàn diện. Một dấu mốc quan trọng nữa mà chương trình SPOT đạt được đó chính là vệ tinh SPOT 5 được đưa lên quỹ đạo vào năm 2002, SPOT 5 cung cấp các tấm ảnh có độ phân giải lên tới 2.5 mét và gần như thu liên tục các cặp ảnh lập thể. Có thể nói SPOT 5 đã trải tấm thảm đỏ trên con đường sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ cho những ứng dụng dân sự, cụ thể hơn SPOT 5 mang đến cho người sử dụng dân sự những bức ảnh viễn thám có độ phân giải và độ chính xác cao phủ trùm trên diện rộng theo thời gian được ấn định rõ ràng.

Năm vệ tinh đầu tiên của SPOT được cấp kinh phí triển khai bởi CNES và được phát triển thông qua hợp đồng với ADS (Airbus Defence and Space) chịu trách nhiệm hai hợp phần tối quan trọng là hạ tầng nền tảng và các hệ thống quang học độ phân giải cao. Để chắc chắn duy trì lâu dài dịch vụ số liệu độ phân giải cao, ADS vào năm 2009 đã quyết định cấp kinh phí hoàn toàn cho hai vệ tinh SPOT 6 và SPOT 7.

KỶ NGUYÊN MỚI

Chương trình SPOT đã bước vào kỷ nguyên mới. Dựa trên nền tảng hạ tầng AstroBus-M được thiết kế bởi ADS, SPOT 6 và SPOT 7 có khả năng hoạt động tốt hơn so với các vệ tinh tiền nhiệm nhưng đồng thời lại có trọng lượng nhẹ hơn tới bốn lần so với các vệ tinh SPOT thế hệ trước (SPOT 6/7 chỉ nặng 720kg so với trọng lượng 3 tấn của vệ tinh SPOT 5. Các vệ tinh mới cũng hình thành trùm vệ tinh quan trắc trái đất được trang bị các thiết bị và cảm biến số liệu tối tân nhất, tăng cường khả năng thu nhận số liệu và đơn giản hóa quy trình truy cập tới số liệu đã thu. Cả 2 vệ tinh mới tạo ra khả năng quan trắc lại cùng một vị trí bất kỳ trên trái đất trong vòng 1 ngày, ghi nhận số liệu phủ trùm trên diện tích 6 triệu km2 mỗi ngày ở độ phân giải lên tới 1.5 mét.

Theo nội dung trong thỏa thuận hợp tác chiến lược ký kết năm 2014, SPOT 6 và SPOT 7 đã trở thành chương trình hợp tác hoạt động bởi hai đối tác lớn là Airbus Defence & Space với Azercosmos.

PHỤC VỤ TRÊN BÌNH DIỆN TOÀN CẦU

Các vệ tinh SPOT đã chuyển đổi sang dạng số hơn 700 lầntổng diện tích phần đất liền của trái đất trong vòng 30 năm qua, xác lập kỷ lục trong nhiệm vụ quan trắc và giám sát liên tục những thay đổi của trái đất theo thời gian. Có thể nói sau 30 năm kể từ ngày vệ tinh SPOT 1 rời khỏi trái đất, cho tới trùm vệ tinh SPOT 6 và 7 mới của Airbus Defence and Space vẫn đang duy trì tiếp những tiêu chuẩn cao cấp nhất nhằm mục đích cung cấp những số liệu quan trắc trái đất cho người sử dụng trên bình diện toàn cầu.

Ngoài ra các kỹ thuật và công nghệ cao cấp sử dụng trên các vệ tinh SPOT cũng đóng góp nhiều vào sự thành công của nhiều hệ thống vệ tinh quan trắc khác cũng do Airbus Defence and Space thiết kế chế tạo. Những vệ tinh này cũng là những hợp phần quan trắc trái đất và cung cấp nguồn số liệu quan trọng phục vụ cho nghiên cứu như PeruSat-1, Falcon Eye hawy KazEOSat cũng như những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phức hợp khác như Herschel, Gaia hay Rosetta. Giống như vệ tinh SPOT 6 và 7, các vệ tinh như KazEOSat-2, Ingenio hay Sentinel-5P đều được xây dựng trên nền tảng hạ tầng rất thành công là AstroBus-M. Chính AstroBus-M là nền tảng vệ tinh tối quan trọng tạo nên thành công cho chương trình SPOT với 23 năm hoạt động trên quỹ đạo mà không có bất kỳ một lỗi nhỏ nào có khả năng gây ảnh hưởng tới hoạt động của vệ tinh.

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn