GALILEO: Công cụ chiến lược trong lĩnh vực tự động và hiện thực hóa đóng góp của Châu âu cho toàn thế giới (Số 2)

Image Content

Nguồn Jeremie Godet và Fiammetta Diani

ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn

Nâng cấp các bản tin dẫn đường của dịch vụ OS: Hay còn được biết đến với tên gọi khác là nâng cấp INAV, theo đó các bản tin mới cũng tương thích hoàn toàn với bản tin cũ tuy nhiên sẽđược nâng cấp một cách đáng kể khả năng rút ngắn thời gian khởi đo lần đầu TFF (Time to First Fix) cũng như khả năng dò tìm và thu nhanh tín hiệu ở các khu vực có tầm quan sát hạn chế;

- Chứng thực các bản tin dẫn đường của dịch vụ OS:Cho phép tất cả người sử dụng đều có khả năng chứng thực một vài tham số đã được truyền phát là số liệu thực sự của Galileo – Khả năng mới này là yêu cầu bắt buộc trong một số ứng dụng thương mại cần số liệu vị trí và thời gian được kiểm trứng và xác thực trước khi công nhận;

- Nâng cấp các dịch vụ PRS: Cải thiện năng lực hoạt động, bổ sung thêm chức năng cho PRS;

- Chức năng mới trong dịch vụ SAR: Thông qua các bản tin dẫn đường, sẽ trả về đường dẫn của bản tin nhận từ trạm dẫn đường và xác nhận chính xác trạm nào đã phát đi tín hiệu khẩn nguy, cũng như xác định rõ thời điểm mà trung tâm hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn nhận được tín hiệu khẩn nguy.

Ảnh nguồn internet

Hiện trạng trùm vệ tinh Galileo đến cuối năm 2015

Trùm các vệ tinh hiện thời của Galileo được cấu thành từ hai dòng vệ tinh khác nhau: Vệ tinh kiểm tra hoạt động IOV (In-Orbit-Validation) là các vệ tinh được mua từ trước năm 2010 và các vệ tinh đã hoạt động hoàn toàn FOC (Full-Operational-Capacity) là các vệ tinh được mua sau năm 2010. Kể từ thời điểm vệ tinh cuối cùng được phóng lên quỹ đạo vào ngày 10/09/2015, trên quỹ đạo hiện có 4 vệ tinh IOV và 6 vệ tinh FOC. Tất cả các vệ tinh FOC đều đã được nâng cấp các khả năng liên quan tới truyền phát tín hiệu so với các vệ tinh IOV mặc dù đều có chung kích thước và hình dạng. Các vệ tinh FOC được trang bị bộ SAR, chỉ có hai vệ tinh IOV có chức năng tương tự. Trong giai đoạn triển khai đầu tiên, Galileo đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên tất cả đã được giải quyết một cách ổn thỏa tới thời điểm hiện tại.

16 vệ tinh FOC đang được chế tạo. Lần phóng tiếp 2 vệ tinh FOC gần đây nhất diễn ra vào 17/12/2015, như vậy khi bản tin này tới Độc giả Việt Nam thì số vệ tinh FOC đã lên tới con số 8. 4 lần phóng tiếp theo (3 lần phóng sử dụng tàu Ariane 5 và 1 lần sử dụng tàu Soyuz) đã được lên kế hoạch thực hiện từ năm 2016 đến giữa năm 2018. Số vệ tinh được đưa lên quỹ đạo sẽ tăng từ 4 vệ tinh lên 6 vệ tinh mỗi năm, điều này sẽ hiện thực hóa những gì mà Chương trình Galileo đã công bố trong năm 2015.Đồng thời các dòng vệ tinh tiếp theo đã có kế hoạch đặt mua bổ sung trong năm 2016 để đảm bảo cho bước triển khai tiếp theo diễn ra vào cuối năm 2019 đầu năm 2020.

Chuẩn bị cho việc sử dụng và những lợi ích mà Galileo mang lại

Mục tiêu tối thượng của Chương trình Galileo là việc các tín hiệu của hệ thống được chuyển đổi thành các dịch vụ đáng tin và có giá trị phục vụ cho người sử dụng trên khắp hành tinh ở tất cả mọi thời điểm. Châu Âu cũng xác định thu hồi vốn đầu tư ROI từ việc mang lại những lợi ích thực tiễn cho cộng đồng, cho công dân Châu Âu cũng như các lĩnh vực kinh doanh cần khai thác khác, chính từ định hướng này mà người sử dụng luôn được coi là trọng tâm của Chương trình ngay từ những ngày đầu tiên.

Đây chính là ưu tiên số một của Cơ quan đại diện GNSS Châu Âu GSA, GSA đã thực hiện hàng loạt cuộc điều tra trực tiếp với người sử dụng và nhà sản xuất để đảm bảo chắc chắn rằng những sản phẩm cung cấp ra thị trường từ thời điểm này đều đã sẵn sàng cho khai thác tín hiệu Galileo, ví dụ như các hoạt động phối hợp với nhiều nhà sản xuất bộ xử lý và máy thu. Các chiến dịch thử nghiệm và kiểm tra thực địa đã được triển khai thành công với sự tham gia của ESA, Trung tâm phối hợp nghiên cứu JRC. Cùng với đó là những phiên làm việc trực tiếp với các cộng đồng người sử dụng lớn và tiềm năng như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để khuyến khích nhóm khách hàng tiềm năng nâng cấp các hệ thống hiện có, sẵn sàng cho việc khai thác các dịch vụ cao cấp mà Galileo dự kiến cung cấp trong năm 2016. Tất cả các nhiệm vụ này đều thu được kết quả khả quan bởi ngay từ đầu, Chương trình Galileo đã dành mọi ưu tiên cho cộng đồng người sử dụng, xác định những thị trường đặc thù, hỗ trợ giải đáp kỹ thuật, thực hiện điều tra phân tích thị trường, triển khai các chiến dịch thử nghiệm thực tiễn, điều tra mức độ hài lòng của người sử dụng và rất nhiều những hoạt động quảng bá khác. Những hoạt động này là các hợp phần của một chương trình đặc biệt đã được Châu Âu thiết kế riêng dành cho từng cộng đồng người sử dụng khác nhau. Mỗi cộng đồng người sử dụng cũng đã được phân chia rõ rệt để Chương trình có thể theo sát những phản hồi về các dịch vụ của Galileo đồng thời ghi nhận những ý tưởng đóng góp mang tính đổi mới và đột phá nhằm tạo nên sự khác biệt của hệ thống Galileo so với các hệ thống GNSS khác trên thế giới.

Các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) Châu Âu như “Horizon 2020” phục vụ cho phát triển các ứng dụng với Galileo cũng như việc công bố chương trình mới “Fundamental Elements” đều tập trung vào việc cung cấp nguồn tài chính phục vụ cho nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bộ xử lý tín hiệu và máy thu, đây chính là những công cụ vô cùng quan trọngđể chuẩn bị sẵn sàng cho người sử dụng cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của Châu Âu với hợp phần quan trọng nhất đó chính là thị trường ứng dụng.

GSA cũng xác định các chương trình nghiên cứu và phát triển của Châu Âu là công cụ để tiếp cận và phổ biến Galileo tới phần lớn cộng đồng người sử dụng, nhưng cách thức tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất cần có sự tham gia thực sự của các nhà sản xuất thiết bị thu trên khắp thế giới. Các dự án đặc thù này được quản lý bởi những chuyên gia có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực ứng dụng cũng như phân khúc thị trường khác nhau, ví dụ với trường hợp khai thác dịch vụ PRS, công nghệ trung tâm sử dụng cho thiết bị khai thác đã được thiết kế và thử nghiệm hoàn chỉnh. Những hoạt động tích cực và chủ động này của Châu Âu đã được đền đáp, tới thời điểm hiện tại số lượng các thiết bị khai thác và máy thu xuất hiện trên thị trường sẵn sàng cho Galileo chiếm tỷ lệ lớn, số lượng thiết bị hỗ trợ cho khai thác EGNOS Châu Âu vượt quá con số 70%. Một trong những nhà sản xuất thiết bị tự động nổi tiếng của Châu Âu là ST Microelectronics, hay các hãng sản xuất thiết bị di động như Broadcom, Hoa Kỳ hay Mediatek, Đài Loan đã công bố bộ xử lý của họ sẵn sàng cho hệ thống Galileo. Bên cạnh đó hầu hết các hãng chế tạo bộ xử lý GNSS đều cũng đã công bố bộ xử lý mới nhất của họ đã được kiểm nghiệm và sẵn sàng cho Galileo. Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng với những bước tiến và thành công mới đây trong việc phóng vệ tinh, triển khai các chiến dịch quảng bá, hỗ trợ nghiên cứu và chế tạo, Chương trình Galileo sẽ sớm đi vào thực tiễn trong năm 2016.

Tầm nhìn Galileo

Mặc dù vẫn còn quá nhiều thách thức phức tạp phía trước liên quan tới các vấn đề kỹ thuật phát sinh, nguồn kinh phí, các yêu cầu bảo mật đảm bảo an ninh hệ thống, nhưng tốc độ triển khai của Galileo đến thời điểm này vẫn đang diễn ra tốt đẹp và các dịch vụ của hệ thống sẽ bắt đầu được khởi động ngay từ đầu năm 2016, đây là những chỉ dấu quan trọng của Cộng đồng Châu Âu để xác thực việc sẽ hoàn thành Chương trình Galileo đúng theo kế hoạch vào cuối năm 2020. Một trong những lợi điểm sớm đạt được của Galileo chính là khả năng phối hợp hoạt động với hệ thống GPS trước khi hoàn thành trùm vệ tinh Galileo, số lượng tín hiệu L5/E5a trong không gian sẽ sớm sẵn sàng cho khai thác lần đầu tiên trong năm 2016. Galileo sẽ mang đến cho người sử dụng những cải thiện, nâng cấp và dịch vụ thực sự khác biệt khi so sánh với tất cả các hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh khác như độ chính xác, tính khả dụng, vùng phủ tín hiệu dịch vụ và các tính năng hỗ trợ cao cấp khác. Cho tới thời điểm hiện tại GPS vẫn là hệ thống được coi là tiêu chuẩn của định vị dẫn đường vệ tinh, và Chương trình Galileo cũng đã xác định sẽ trở thành hệ thống định vị dẫn đường vệ tinh GNSS tham chiếu vào cuối năm 2020.

Kính mời Quý Độc giả đón đọc Bản tin Công nghệ Số 4 năm 2016 sẽ phân tích về hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh GLONASS của Liên bang Nga.

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn