Số 04/2018: GNSS & Đo đạc 2017: Nhìn lại một năm đã qua – Số 3

Image Content

Tim Burch - Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn.

Phần nền tảng cơ bản của PNT có thể được sử dụng cho bất kỳ ứng dụng thu thập số liệu nào. Từ các trạm thu thập số liệu cố định sử dụng bởi các nhà đo đạc đến các ứng dụng đơn thuần trong quản lý đô thị, việc sử dụng số liệu PNT đã trở thành một phần quan trọng trong bất kỳ cơ sở dữ liệu GIS nào chứ không chỉ đơn thuần là việc dẫn đường đơn giản. Với việc cung cấp thông tin vị trí của bất kỳ đối tượng nào tại bất kỳ thời điểm nào kết hợp với việc so sánh vị trí hiện thời với vị trí đã thu thập được trước đây, chúng ta có thể xác định được sự chuyển dịch hay đơn giản là cung cấp khả năng dẫn đường hữu dụng. Một ví dụ thực tiễn đơn giản và dễ hiểu nhất về việc khai thác ứng dụng PNT gắn liền với hoạt động hàng ngày của chúng ta chính là việc cài đặt hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh ngay chính trong chiếc điện thoại di động thông minh và thiết bị dẫn đường trên phương tiện giao thông. Khi sử dụng những phần mềm ứng dụng bản đồ dẫn đường trên điện thoại di động hay trong phương tiện giao thông chính là việc khai thác số liệu PNT để chỉ cho chúng ta thấy mình đang ở đâu, tốc độ di chuyển như thế nào và tính toán xem mất bao nhiêu thời gian để đến được địa chỉ đã xác định với tốc độ di chuyển hiện thời. Đây là một trong những minh chứng rõ rành nhất để thấy được tính chất hữu dụng tuyệt vời gắn liền với khả năng thu thập số liệu định vị vệ tinh GNSS, khả năng xử lý số liệu của máy tính để chuyển đổi thông tin PNT phức tạp thành những thông tin hữu dụng phù hợp với bất kỳ người sử dụng nào trên khắp thế giới.

Các nhà đo đạc cũng thực hiện những nhiệm vụ tương tự như vậy đối với số liệu GNSS mà họ thu thập được hàng ngày. Bất kỳ số liệu nào được ghi nhận bởi các thiết bị đo đạc hiện đại đều được gắn dấu với hai hợp phần cơ bản của PNT là Vị trí (Position) và Thời gian (Time). Khi cùng một đối tượng nhưng số liệu được thu thập lại lần kế tiếp, thì thông tin dẫn đường tới đối tượng đó cũng có thể xác định được nếu cần. Phương thức thu thập số liệu này cũng xuất hiện nhiều với kỹ thuật quét laser 3D và các đám mây điểm, và số liệu này cũng có thể được đo lại bất kỳ thời điểm nào để xác định xem chúng đã bị thay đổi theo thời gian như thế nào. Chúng ta chỉ cần hình dung một cách đơn giản rằng ở thời điểm hiện tại chúng ta có được cơ sở dữ liệu quét laser 3D hoàn chỉnh của tất cả các công trình lịch sử trên thế giới, sự vận động của Trái đất là điều không cưỡng lại được chính sự vận động này sẽ gây ra những thay đổi đôi khi chúng ta không mong muốn diễn ra đối với các công trình lịch sử, nhưng thực tiễn nó vẫn đang diễn ra hàng ngày. Kết hợp số liệu GNSS với số liệu quét laser 3D giúp chúng ta dễ dàng xác định những thay đổi của bất kỳ đối tượng nào trong thực tiễn một cách chi tiết nhất.

Các nhà đo đạc sẽ có rất nhiều lợi thế nếu luôn biết rõ các đặc tính liên quan đến nước (ví dụ như sông, suối, dòng chảy, thác, hồ, ao và đường bờ biển) gắn liền với một vị trí trong một thời điểm xác định rõ ràng, chắc chắn sẽ tính toán được sự thay đổi của chúng theo thời gian bằng cách cập nhật số liệu định kỳ. Rất nhiều ranh giới trên đất liền được hình thành bởi các đặc tính của nước như là một lằn ranh của tự nhiên, vì vậy việc nắm rõ sự thay đổi do chuyển dịch của tự nhiên đặc biệt là chuyển dịch gây ra bởi dòng nước sẽ giúp nhà đo đạc đưa ra những khuyến nghị xác thực nhằm đảm bảo độ ổn định và an toàn cho từng khu vực có dòng nước đi qua. Cũng tương tự như vậy, các công trình xây dựng hay sự thay đổi ở các khu vực phát triển, bằng cách xác định chi tiết và công bố cơ sở dữ liệu địa không gian định kỳ, các nhà đo đạc có thể xác định chính xác sự dịch chuyển của công trình, đường ranh giới từ các vị trí đã biết chính xác tọa độ.

Thực tiễn ngày nay giúp chúng ta nhận rõ vấn đề này một cách đơn giản hơn nữa bởi khả năng thu thập, phân tích và duy trì cập nht thông tin địa không gian vô cùng thuận lợi và sẽ ngày càng thuận lợi hơn theo thời gian. Các nhà đo đạc ngày nay đã được trang bị những công cụ lao động tương đương với công cụ của các nhà khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khác, chính vì thế nên có thể khẳng định rằng việc ứng dụng số liệu do các nhà đo đạc cung cấp sẽ ngày càng mở rộng hơn nữa, song song với đó là vai trò của các nhà đo đạc cũng trở nên quan trọng hơn.

THIẾT BỊ BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI UAV TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Một phân khúc thị trường khác tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đó là lĩnh vực thiết bị bay không người lái UAV (Unmanned Aerial Vehicle). Năm 2017 thị trường tiếp nhận thêm nhiều phát kiến mới liên quan tới cả thiết bị bay và cảm biến số liệu đảm bảo phục vụ tốt nhất cho mục đích thu số liệu đa mục đích ứng dụng. Tốc độ tăng trưởng của phân khúc thị trường này được thể hiện một cách rõ ràng tại triển lãm Intergeo 2017, với sự góp mặt của hơn 150 nhà cung cấp giải pháp UAV ngay trong không gian triển lãm cũng như khu vực thử nghiệm trình diễn ngoài trời. Mặc dù còn có rất nhiều triển lãm khác liên quan tới UAV được tổ chức hàng năm tại nhiều địa điểm trên thế giới, nhưng Intergeo luôn là địa điểm xuất hiện của các thiết bị bay, phần mềm và những ý tưởng mới phục vụ cho mục đích thu thập số liệu địa không gian, bay chụp đo vẽ ảnh hàng không liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ hàng ngày của các nhà đo đạc. Intergeo 2017 chứng kiến sự xuất hiện của các loại UAV cỡ lớn với động cơ, khả năng tải và độ an toàn cao hơn rất nhiều so với thế hệ cũ, các loại UAV với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng VTOL (Vertical Takeoff and Landing) cùng với hàng loạt cảm biến số liệu độ phân giải siêu cao, hoạt động đa nhiệm trong mọi môi trường với khả năng tích hợp trong những thiết kế đã được tối ưu hóa cho nhiều loại UAV khác nhau.

(Còn tiếp)

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn