Số 08/2021: Động lực toàn cầu và kỹ thuật công nghệ có ảnh hưởng tới lĩnh vực đo đạc bản đồ – Số 1

Image Content

Hội đồng Lãnh đạo và Khoa học FIG

Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam tổng hợp biên soạn.

Chủ tịch các phân ban, Hội đồng lãnh đạo và các nhà khoa học của FIG đã đi được già nửa chặng đường trong nhiệm kỳ, họ là những người trực tiếp chứng kiến những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của kỹ thuật công nghệ mới và toàn cầu hoá tới lĩnh vực ứng dụng thuộc chuyên ngành quản lý nghiên cứu cũng như các nhiệm vụ thường ngày của mình là đo đạc và bản đồ. Bản tin Công nghệ này và các bản tin tiếp theo chúng tôi sẽ dành để mô tả hơi thở của khoa học và công nghệ xuyên suốt qua các phân ban trực thuộc FIG cũng như các khu vực ứng dụng chung giữa các phân ban với nhau. Các nội dung thảo luận trong các Bản tin cũng đã được gửi tới giới khoa học thông qua các báo cáo nghiên cứu toàn cầu như báo cáo “Những xu hướng tương lai trong quản lý thông tin địa không gian” (Future Trends in Geospatial Information Management) của UN-GGIM và báo cáo “Future Report 2020” của RICS.

Động lực toàn cầu cơ bản đối với các hoạt động của FIG là “Lịch trình 2030 cho Phát triển bền vững” và các tổ chức khác đã cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên liên hợp quốc UN để đạt được 17 trọng tâm phát triển bền vững (17 Sustainable Development Goals – SDGs) và 169 mục tiêu khác. Những thách thức mang tính toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên nhiên và các thảm hoạ khác, an ninh lương thực và nguồn nước trong quá trình đô thị hoá. Trong đó biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các dạng thức thảm hoạ thiên nhiên dẫn tới việc chia cắt các cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và những mất mát to lớn đối với nền kinh tế. Đồng thời tác động mạnh tới an ninh lương thực và nguồn nước, làm cho việc tiếp cận đất đai canh tác và nguồn nước sinh hoạt ngày càng khó khăn hơn. Các quốc gia buộc phi nghiên cứu để đưa ra những chiến lược phù hợp trong việc tái định cư, di dân và từng bước hoà nhập đang được coi là chìa khoá cho sự phát triển và để thực hiện những chiến lược nêu trên thì việc xây dựng các phương án quy hoạch không gian, xây dựng và phát triển các hệ thống quản lý đất đai và địa chính một cách có hiệu quả được coi là chìa khoá dẫn tới thành công. Bản đồ, đo đạc và định vị cũng như cách thức chúng ta tổ chức và quản lý sử dụng số liệu và thông tin địa không gian ngày nay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện độ chính xác, mô hình hoá số liệu theo từng phương án và tổng hợp các báo cáo phục vụ cho các trọng tâm phát triển bền vng của UN bao gồm SDG số 13 (Hành động khí hậu), SDG số 14 (Đời sống dưới nước) và SDG số 15 (Đời sống trên cạn).

ĐỘNG LỰC TOÀN CẦU

Toàn cầu hoá là động lực quan trọng trong bất kỳ chương trình phát triển nào mang tính toàn cầu, toàn cầu hoá cũng làm phát sinh những thách thức to lớn đối với chính phủ của các quốc gia. Có xấp xỉ 15% dân số thế giới đang sống tại các khu vực đô thị nhưng không có khả năng hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn nước sạch, dịch vụ vệ sinh và đất đai cũng như các yếu tố khác (Satterthwaite and Mitlin 2014). Nhiệm vụ xây dựng phương án quy hoạch và phát triển không gian cũng như thành lập các hệ thống quản lý đất đai hoàn chỉnh (Liên quan tới phân ban Quản lý Đất đai và Địa chính của FIG) rất quan trọng và cần thiết để có thể hỗ trợ đạt được các trọng tâm và mục tiêu trong phát triển bền vững, đồng thời hình thành thị trường đất đai chính thống nhằm thay đổi cách nhìn nhận về đô thị và nông thôn.

Cụ thể hơn, việc quản trị đất đai và địa chính kết hợp với phương án quy hoạch và phát triển không gian đảm bảo nền tảng hỗ trợ tối ưu để đạt được những trọng tâm phát triển bền vững của UN bao gồm SDG số 1 (Không nghèo khó), SDG số 2 (Không đói ăn), SDG số 5 (Bình đẳng giới) và SDG số 11 (Đô thị và cộng đng bền vững) đồng thời đảm bảo sự công bằng về quyền sử dụng đất cho tất cả mọi người. Tất cả các vấn đề nêu trên đều đã được đề cập trong các khung hành động và quản trị đất đai toàn thế giới như  Voluntary Guidelines on the Responsible Governance of Tenure of Land, Fisheries and Forests in the Context of National Food Security (CFS and FAO, 2012).

 

Hình 1: 17 trọng tâm phát triển bền vững toàn cầu của Liên hợp quốc UN 2015.

Phân ban Định giá và Quản lý thị trường bất động sản (Valuation and Management of Real Estate Commission) cũng như Quản lý và Kinh tế Xây dựng (Constructions Economics and Management Commission) đều là nguồn cung cấp thông tin chuyên gia cho thị trường cũng như hỗ trợ việc ra quyết định trong công tác quản lý các nguồn lợi kinh tế dần khan hiếm. Phát huy lối suy nghĩ và hành động vì môi trường, xã hội và quản trị thể hiện rõ ràng trách nhiệm hỗ trợ tối đa cho các trọng tâm và mục tiêu phát triển bền vững SDGs của UN, hỗ trợ cho các dự án xây dựng, đo đạc kỹ thuật, mua sắm, hỗ trợ bảo vệ môi trường và giảm thiểu phát thải carbon.

(Còn tiếp).

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn