Số 11/2021: Động lực toàn cầu và kỹ thuật công nghệ có ảnh hưởng tới lĩnh vực đo đạc bản đồ – Số 4

Image Content

Hội đồng Lãnh đạo và Khoa học FIG

Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam tổng hợp biên soạn.

GIA TĂNG CÁC NGUỒN SỐ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH

Các kỹ thuật định vị và đo đạc mới đều xuất phát trên nền tảng kỹ thuật định vị toàn cầu bằng vệ tinh GNSS nhưng mang trong đó nhiều biến thể và các công cụ hỗ trợ ví dụ như kỹ thuật RTN (Reducing Collection Times) giúp giảm thời gian đo hay khả năng cung cấp tín hiệu và số liệu hiệu chỉnh số liệu định vị vệ tinh trên mặt đất hoặc các hệ thống vệ tinh GBAS/SBAS (Ground-based/Space-based Augumentation Systems). Kỹ thuật viễn thám hiện đại với số liệu được thu thập từ các thiết bị bay không người lái có giá thành hợp lý hơn so với thu thập từ các vệ tinh đắt tiền. Các phép đo đạc và định vị được thực hiện nhanh với giá thành rẻ hơn nhờ vào sự phát triển rất nhanh của các máy thu GNSS thế hệ mới có giá thành rẻ kết hợp với khả năng tích hợp cung cấp số liệu bổ sung từ các cm biến hỗ trợ khác, ngày càng nhiều người sử dụng có khả năng tiếp cận và truy cập vào cơ sở dữ liệu địa không gian độ chính xác cao. Việc phát triển nhanh và mạnh các cơ chế quản trị thông tin không gian trên diện rộng trên nền tảng điện toán đám mây đã hình thành nên các cơ chế xử lý, đánh giá và hỗ trợ cho việc thực hiện và đạt được các nhiệm vụ mục tiêu SDG.


Hình 4: Phát hiện khuyết tật bê tông theo cơ chế máy học tự động phân loại và phát hiện dựa trên nền tảng số liệu đám mây điểm do máy quét laser 3D cung cấp (Nguồn: Hadavandrisi and Lichti, 2020)

SỐ LIỆU BỔ SUNG TỪ CÁC DẠNG THỨC CẢM BIẾN KHÁC

Để phát triển mô hình các thành phố thông minh, thông tin địa không gian bắt buộc phải được tích hợp vào tất cả các hợp phần và bộ phận cấu thành nên chính thành phố đó ví dụ như thiết kế, quy hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn và thực hành. Mỗi loại cảm biến và thiết bị kết nối và mạng Internet đều phải có thông tin vị trí chính xác để xác lập toàn bộ cảnh quan không gian khu vực lân cận vào với số liệu truyền dẫn. Thông tin địa không gian trở thành một phần tối quan trọng và không thể thiếu khi cảm biến và thiết bị chuyển sang trạng thái di động (UN-GGIM, 2020). Trong nhiệm vụ định vị và đo đạc, hệ toạ độ địa không gian có thể cung cấp bởi SBAS, GBAS, hình ảnh, LiDAR, IMU và/hoặc máy toàn đạc điện tử để mang đến những lợi thế vượt trội so với việc chỉ sử dụng định vị vệ tinh GNSS đơn thuần. Việc sử dụng GNSS giúp chúng ta định hướng tất cả số liệu từ các cảm biến khác về cùng một khung tham chiếu để dễ dàng kết hợp với các dạng thức số liệu khác. Hơn thế nữa, các thiết bị đo mới cho phép các phép đo đạc địa chính và kỹ thuật có khả năng thực hiện ở cự ly rất gần hoặc rất xa đối tượng cần quan tâm, ngay cả trong các môi trường phức tạp như trong không gian, dưới đáy biển hay ngầm trong môi trường sông nước. Việc cung cấp được các tập hợp số liệu này mang đến cho chúng ta nhiều lựa chọn thay thế để có được toạ độ địa không gian trong gần như tất cả các trường hợp và môi trường triển khai thực tiễn đảm bảo trạng thái của tất cả các đối tượng đều được theo dõi và giám sát trong chế độ thời gian thực hoặc cận thời gian thực.

ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY VÀ CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỊA LÝ TIÊN PHONG

Đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu thông tin địa không gian hai giải pháp thức thời là nguồn điện toán đám mây và các hệ thống thông tin địa lý miễn phí tiên phong giúp hoàn chỉnh số liệu địa lý hiện có. Tuy nhiên số liệu địa lý tổng hợp từ nguồn đám mây gặp phải một vấn đề lớn là thiếu độ chính xác cần thiết, nhưng lại có ưu điểm vượt trội là khả năng “học” và “thích ứng” với sự thay đổi của môi trường, ví dụ như khả năng tính toán lưu lượng giao thông dựa vào thông tin của người sử dụng điện thoại di động có gắn thiết bị định vị vệ tinh GNSS. Thực tiễn cho thấy khi các phép đo được thực hiện hoàn toàn độc lập thì toạ độ địa không gian có thể không chính xác (sử dụng một máy thu GNSS cầm tay chẳng hạn), nhưng khi tích hợp chúng với số liệu thống kê theo thời gian sẽ giúp chúng ta cải chính và tăng độ chính xác cho chính các phép đo độc lập đó. Các phép định vị và đo đạc có khả năng hỗ trợ chúng ta hiệu chỉnh chính xác mốc tính chuyển, lưới chiếu trong việc quản lý thông tin không gian tuân thủ các tiêu chuẩn mang tính quốc tế để duy trì tính toàn vẹn của số liệu trên không gian đám mây.

KẾT LUẬN

Các chuyên gia trong lĩnh vực địa không gian cần tiếp tục theo sát một cách có trách nhiệm với tất cả những thách thức toàn cầu, những tác động và ảnh hưởng tới cộng đồng và những bước phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Tất cả các động lực được chúng tôi đề cập trong 4 Bản tin Công nghệ gần đây đã được nghiên cứu và đánh giá một cách nghiêm túc. Điểm tối quan trọng ở đây là khả năng đề xuất và bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực ứng dụng thuộc chuyên ngành địa không gian, bao gồm trong đó cả lĩnh vực xây dựng. Đồng thời phải từng bước cải thiện được hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên ngành nhằm bổ sung thế hệ kế tiếp cho lĩnh vực mang tính đặc thù này để đáp ứng được những khó khăn thách thức mang tính toàn cầu đang hiện hữu.

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn