Số 27/2017: Gia tăng nhanh chóng các giải pháp định vị độ chính xác cao bằng phương thức sử dụng điện thoại di động – Số 1

Image Content

John Stenmark LS - Nhóm kỹ thuật Công ty TNHH ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn   

Sổ ghi chép trên thực địa được các nhà đo đạc sử dụng từ trước đến nay chắc chắn sẽ không mất đi theo thời gian, tuy nhiên điểm mà chúng ta có thể thấy rõ chính là việc chúng sẽ biến thành các công cụ hữu ích trong thời gian tới. Nhiệm vụ của những chiếc bút chì và sổ ghi chép sẽ sớm được thay thế bằng các thiết bị điện tử tương đương cũng giống như các thiết bị điện tử đang làm thay đổi cơ bản cuộc sống của chúng ta. Đây chính là quan điểm của ông Andy Beckerson, Giám đốc phát triển kinh doanh của Korec, công ty có trụ sở tại Anh Quốc chuyên cung cấp các giải pháp đo đạc và địa không gian. Beckerson nói rằng trong khi bút chì và giấy viết vẫn đang là công cụ được các nhà đo đạc ưu chuộng ở nhiều lĩnh vực ứng dụng, nhiều quốc gia thì một viễn cảnh mới với ý nghĩa hãy mang theo chính thiết bị của bạn BYOD (Bring Your Own Device) đang được thúc đẩy một cách mạnh mẽ, đặc biệt là tại các nước phát triển để từng bước đưa kỹ thuật thu thập số liệu dạng số vào trong đời sống và loại bỏ dần bút chì và giấy.

Chúng ta có thể lấy một ví dụ điển hình với chiếc điện thoại di động thông minh, gần như tất cả chúng ta những người làm kỹ thuật công nghệ đều mang theo những chiếc điện thoại thông minh này hàng ngày, từ nhà đến nơi làm việc hoặc thậm chí những nhà đo đạc còn mang chúng ra thực địa và bắt đầu sử dụng cùng với các thiết bị đo đạc khác bởi chính các nhà phát triển ứng dụng, các nhà cung cấp dịch vụ và các hãng sản xuất phần cứng đã và đang biến các kỹ thuật địa không gian thành những ứng dụng hết sức thiết thực đối với người dùng trên toàn thế giới.

Nói rộng hơn, thuật ngữ BYOD được sử dụng với mục đích diễn tả khả năng sử dụng các thiết bị thương mại phục vụ cho người dùng phổ thông, được sử dụng làm giao diện hoặc công cụ tiếp cận với ứng dụng trên chính các thiết bị di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Vậy điều gì tạo ra khả năng sử dụng các thiết bị cá nhân phổ dụng phục vụ cho đo đạc bản đồ và địa không gian ở mức chuyên nghiệp? Thực tiễn cho chúng ta thấy rõ những nghiên cứu, phát triển ứng dụng, điều chỉnh đã được rất nhiều hãng cung cấp giải pháp tiến hành trong thời gian qua nhằm biến các thiết bị cá nhân thông minh thành công cụ có khả năng kết nối và cung cấp các dịch vụ đo đạc bản đồ và địa không gian cao cấp cho cả người dùng thương mại và các nhà chuyên môn sử dụng để tạo ra cơ sở dữ liệu phục vụ mục đích khai thác ứng dụng của người dùng thương mại.

TỪ GPS ĐẾN ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH

Không ai trong chúng ta nghĩ tới một công cụ có khả năng thay đổi hoàn toàn cuộc sống của rất nhiều người trong một thời gian ngắn. Nhưng điều đó đã diễn ra, các công nghệ liên quan tới lĩnh vực địa không gian mà dẫn đầu là công nghệ định vị toàn cầu bằng vệ tinh GPS – mà tới thời điểm hiện tại công nghệ này đang nằm gọn trong lòng bàn tay của hàng trăm triệu người sử dụng trên khắp toàn cầu.

GPS xuất hiện lần đầu tiên trên điện thoại di động vào năm 1999 và cũng kể từ thời điểm này, GPS là một phần không thể thiếu được của điện thoại thông minh và máy tính bảng. Điện thoại thông minh iPhone 3G công bố ra thị trường năm 2007, là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên kết hợp với máy thu GPS. Chính sự hỗ trợ mạnh mẽ của Apple đối với các nhà phát triển thứ ba, 3G đã mở ra những phương thức hết sức mới mẻ trong việc sử dụng số liệu địa lý vào cuộc sống hàng ngày. Các nhà phát triển ứng dụng luôn tìm kiếm những chức năng mới hơn, khái niệm các dịch vụ trên nền tảng định vị ngày càng chiếm ưu thế và quan trọng là thuyết phục được người sử dụng lựa chọn. Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy có hàng nghìn các ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh và máy tính bảng sử dụng số liệu vị trí được cung cấp bởi các máy thu GPS gắn sẵn bên trong.

Nhưng những ứng dụng liên quan tới thông tin vị trí cũng nhanh chóng thể hiện những hạn chế nhất định đối với người dùng chuyên nghiệp ví dụ như các nhà đo đạc – những người luôn yêu cầu nhiều chức năng cao cấp hơn người sử dụng thông thường. Một trong những vấn đề lớn nhất mà giới chuyên nghiệp quan tâm đó chính là độ chính xác và tính tin cậy trong phép định vị sử dụng GPS trên điện thoại thông mình và máy tính bảng. Thậm chí ngay trong những điều kiện tốt nhất, với khả năng thu nhận thông tin định vị có độ chính xác nằm trong vài mét là vượt xa mong muốn của người sử dụng điện thoại thông minh bình thường, nhưng chỉ số độ chính xác này không bao giờ có thể làm thỏa mãn những nhà đo đạc chuyên nghiệp. Đây thực sự là thách thức lớn đối với hầu hết các nhà phát triển ứng dụng và người sử dụng, những người hiểu rõ tầm quan trọng của việc gia tăng độ chính xác vị trí cho thiết bị và những giá trị to lớn mà các phép định vị độ chính xác cao mang lại cho các ứng dụng chạy trên chính thiết bị đó. Nhưng thực tế chi phí giá thành và sự phức tạp trong mô hình xử lý số liệu để có được những lời giải vị trí GPS độ chính xác cao đã và sẽ luôn luôn là rào cản lớn nhất đối với các nhà phát triển ứng dụng và khách hàng sử dụng các ứng dụng này. Tuy nhiên có một điểm đáng mừng là những rào cản này đang dần mất đi hoặc ít nhất rào cản cũng đã thấp hơn so với những năm trước đây.

ĐỊNH VỊ ĐƯỢC COI NHƯ MỘT DỊCH VỤ

Năm 2016, hãng Trimble giới thiệu ra thị trường thế hệ máy thu GNSS mới được ấn định bởi phần mềm ứng dụng do người dùng phát triển có tên gọi Trimble Catalyst. Máy thu GNSS này có khả năng hoạt động với một số thiết bị cầm tay di động chạy hệ điều hành Android, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Giải pháp phần mềm chạy cùng máy thu GNSS là phần mềm ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị cá nhân, một ăng ten thu GNSS gắn ngoài có kích thước nhỏ và bản quyền truy cập sử dụng dịch vụ Catalyst của Trimble. Với Catalyst người sử dụng hoàn toàn có thể thu được thông tin vị trí trong chế độ thời gian thực với độ chính xác nằm trong khoảng dưới một mét cho tới mức cm, đây thực sự là điều khó hình dung đối với các thiết bị di động cá nhân vốn chỉ quen với khái niệm định vị một cách tương đối.

Khái niệm máy thu GNSS ấn định bởi phần mềm đã có trong đầu của các nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia từ hàng thập kỷ trước. Nhưng chỉ mới đây thôi những khó khăn về mặt kỹ thuật mới được giải quyết triệt để. Theo ông Rachel Blair, Giám đốc kinh doanh hợp phần Bản đồ & GIS của Trimble thì Catalyst thể hiện một bước tiến lớn về khả năng tích hợp đa công nghệ và kỹ thuật trong một thiết bị.

(Còn nữa)

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn