Số 35/2018: Chuyện hậu trường vụ giải cứu đội bóng đá nhí Thái Lan - GIS hỗ trợ nhiệm vụ cứu nạn tại hang Tham Luang Nang Non - Số 1

Image Content

Theo GIM Magazine

Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam dịch và biên soạn.

Như tất cả toàn thế giới đã được theo dõi và chứng kiến chiến dịch tìm kiếm và giải cứu đầy thách thức để đưa 12 cầu thủ thiếu niên và huấn luyện viên đội bóng Thái Lan bị kẹt sâu trong hệ thống hang động Tham Luang Nang Non về với cuộc sống, đằng sau hoạt động tìm kiếm này, các chuyên gia đã ứng dụng một cách hiệu quả hệ thống thông tin địa lý GIS để hiểu rõ và chia sẻ những hiểu biết quan trọng có tính nền tảng về hệ thống hang động phức tạp tại khu vực để phục vụ cho các hoạt động trong quá trình tìm kiếm cứu nạn. Cục Tài nguyên Thiên nhiên Thái Lan DMR (Department of Mineral Resources) đã phối hợp với ESRI Thái Lan Ltd. và GIS Ltd. tạo thành một nhóm làm việc gồm các chuyên gia về bản đồ và GIS nhiều kinh nghiệm, hoạt động ngay tại trung tâm chỉ huy các hoạt động tìm kiếm cứu nạn GOC (Geohazard Operation Center). Nhóm đặc biệt này hỗ trợ nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn bằng cách áp dụng kỹ thuật hệ thống thông tin địa lý GIS để tạo ra các bản đồ lòng hang, thực hiện các phép phân tích địa hình và thuỷ văn trên toàn bộ khu vực diễn ra hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực địa chất, DMR trong quá trình triển khai ban đầu hy vọng sẽ chuẩn bị được đầy đủ số liệu và bản đồ, tuy nhiên điều này không thực hiện được bởi số liệu có chất lượng và đã được kiểm tra ở khu vực này không có sẵn, theo đó nhóm làm việc phải thực hiện bước đầu tiên là tập hợp số liệu và tổng hợp các tập số liệu địa hình và địa chất chuẩn để từ đó tiến hành nội suy và trích xuất thông tin hang động, tính toán và phân tích mặt cắt ngang lòng hang, địa hình và thuỷ văn hang động.

Trong quá trình triển khai DMR đã phối hợp chặt chẽ với Cục Công viên tự nhiên, Bảo tồn Động Thực vật Hoang dã Thái Lan DNP (Department of Natural Parks, Wildlife and Plant Conservation), Cục Tưới tiêu Hoàng gia Thái Lan RID (Royal Irrigation Department), Cục Phòng chống và Giảm thiểu Thiên tai DPMD (Disaster Prevention and Mitigation Department), Hải quân Hoàng gia Thái Lan RTN (Royal Thai Navy) và nhiều tổ chức khác. Bên cạnh đó còn có nhiều chuyên gia và nhà tìm kiếm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp đến từ các nước khác cùng tham gia vào nhiệm vụ đặc biệt này.

TẬP HỢP SỐ LIỆU

Các bản đồ được chia sẻ trên mạng xã hội đều không đạt được độ chính xác cần thiết phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Nhiệm vụ đầu tiên của nhóm Bản đồ và GIS là tập hợp các bản đồ địa hình trong khu vực, số liệu mô hình số độ cao DEM độ phân giải cao từ SRTM và các nguồn cung cấp khác, một trong những phân lớp thông tin GIS rất quan trọng đó là lớp hình dạng 2D của hệ thống hang động Thái Lan. Các chuyên gia địa chất và bản đồ phải tính toán cân nhắc độ chính xác tuyệt đối và độ chính xác quan hệ của tất cả các loại số liệu địa hình khi được tổng hợp lại trong cùng một hệ thống. Mô hình tập hợp số liệu được thể hiện trong hình dưới đây:

Quy trình làm việc của nhóm Bản đồ và GIS phục vụ cho cuộc tìm kiếm cứu nạn: Tập hợp và Tổng hợp số liệu, Nội suy và Trích xuất, Phân tích và Công bố thông tin.

Bước 1: Thu thập và Tổng hợp số liệu

Thu thập số liệu bản đồ; Tổng hợp mô hình số độ cao DEM mới; Tổng hợp các cặp ảnh lập thể; Tổng hợp ảnh trực giao mới.

Bước 2: Nội suy và Trích suất

Các tuyến hang động; Chiều dài và Cao độ hang; Mặt cắt ngang của từng đoạn hang động trong khu vực.

Bước 3: Phân tích

Tạo mặt cắt ngang; Phân tích thuỷ văn; Xác định X,Y biến thiên dòng chảy; Giám sát lượng mưa và mực nước khu vực; Xác định vị trí phục vụ nhóm khoan; Hiển thị dưới dạng các mô hình 3 chiều.

Bước 4: Công bố

Bản đồ chi tiết các tuyến hang động; Bản đồ mặt cắt ngang các tuyến hang động; Bản đồ ảnh trực giao; Bản đồ địa hình cùng phân lớp thông tin địa chất; Bản đồ dòng chảy.

Với sự hỗ trợ của Cục Đo đạc Hoàng gia Thái Lan RTSD (Royal Thai Survey Department), các tấm ảnh trực giao và các mô hình cặp ảnh hàng không từ năm 2007 đã được cung cấp và sử dụng trong quá trình thu thập số liệu phục vụ tìm kiếm ở bên ngoài các hệ thống hang động trong khu vực nhằm xác định các cửa thâm nhập vào hang. Sau đó các bản đồ 2D, bản đồ mặt cắt lòng hang, mô hình 3D toàn bộ khu vực … đã được tạo ra và chuyển tiếp cho tất cả các đơn vị tham gia vào chiến dịch tìm kiếm.

(Còn tiếp)

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn