Thông tin cập nhật liên quan đến công nghệ 3D

Image Content

Wim Van Wegen – Tổng Biên tập tạp chí GIM International

Sự kiện Oldenburger 3D-Tage lần thứ 14 (Oldenburger 3D Days) đã được tổ chức thành công tại Trường Đại học Ứng dụng Khoa học Jade, Oldenburger, Đức (Jade University of Applied Sciences). Kỹ thuật và công nghệ đo quang học 3D như đo vẽ ảnh hàng không và quét laser 3D là những chủ đề chính nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng,và cũng được trưng bày tại hầu hết các gian hàng triển lãm mở cửa tại sự kiện.

Cũng giống như sự kiện Oldenburger 3D Days diễn ra cách đây hai năm, Tổng Biên tập tạp chí GIM International Wim Van Wegen đã có mặt ở thành phố nằm ở phía đông bắc nước Đức, để chứng kiến những thành tựu phát triển mới nhất và xu hướng phát triển của các kỹ thuật công nghệ đo 3D.

Một phần khu vực triển lãm tại sự kiện Oldenburger 3D-Tage 2015

Sự kiện Oldenburger 3D-Tage năm nay quy tụ hơn 50 bài trình bày liên quan tới kỹ thuật và một lần nữa đây lại là cơ hội tốt để các chuyên gia trao đổi thông tin mới nhất về những kỹ thuật và công nghệ, kết quả nghiên cứu cũng như những lĩnh vực ứng dụng tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật đo 3D. Cũng như sự kiện lần trước, các bài trình bày về kỹ thuật được thực hiện bởi các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Leica Geosystems, REIGL, và Zoller+Frohlich với các sản phẩm đặc thù. FARO cũng mang tới sự kiện lần này thế hệ máy quét cầm tay mới nhất của hãng - FARO Freestyle 3D.

Một số bài trình bày về kỹ thuật nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía khách tham dự, đó là các phiên trình bày về kỹ thuật quét laser 3D bằng thiết bị bay không người lái UAV (trong ngày thứ nhất) và các ứng dụng của hệ thống quét laser di động (trong ngày thứ hai). Bài trình bày của chuyên gia Thomas Gaisecker đến từ hãng REIGL là một trong những bài trình bày mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe, khách tham dự đã được chứng kiến màn trình diễn của thiết bị bay không người lái UAV tích hợp hệ thống quét, dẫn đường và thu nhận hình ảnh RiCOPTER do chính REIGL thiết kế và chế tạo. Ông Heinz-Jurgen Pizybilla đến từ Trường Đại học Ứng dụng Khoa học Bochum, cũng là quản trị phiên làm việc đã đặt câu hỏi cho Thomas Gaisecker rằng: “Trọng lượng của hệ thống bay RiCOPTER khá nặng (tổng trọng lượng lên tới 16kg) có được phép bay trên các khu vực đô thị để thu nhận số liệu 3D không vì nó có thể gây nguy hiểm cho các đối tượng dưới mặt đất?”. Thomas Gaisecker trả lời rằng:“Trọng lượng của RiCOPTER không phải là vấn đề, điểm mấu chốt ở đây chính là tính phức tạp trong các quy định mà chúng ta đang cố duy trì không chịu thay đổi, việc quan trọng nhất bây giờ là phải sửa đổi những quy định đã lỗi thời.”

THIẾT BỊ BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI UAV

Thiết bị bay không người lái UAV Aibot X6 thực sự ấn tượng và thu hút được nhiều sự quan tâm của khách tham dự

Thiết bị bay không người lái (UAV) là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt trong sự kiện Oldenburger 3D Days 2015. Để xác định rõ các vấn đề trong thực tiễn, Ban Tổ chức đã đề xuất thực hiện phiên tọa đàm về máy ảnh ghi đo (Metric Camera) lắp đặt trên thiết bị bay UAV, buổi tọa đàm này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt nhất trong toàn bộ sự kiện. Gần như tất cả những người tham dự phiên tọa đàm đều ít nhiều đồng ý với một vấn đề đang tồn tại hiện nay đó là: Những quy định, quy phạm, hướng dẫn và luật đang bị bỏ lại đằng sau nếu so với sự phát triển của công nghệ - Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển, ngay cả đối với thị trường UAV cũng vậy (thị trường với tổng doanh thu năm khoảng 11.6 tỷ đô la Mỹ).

Phiên tọa đàm cũng tập trung vào các câu hỏi về sự cần thiết của các máyảnh ghi đo lắp đặt trên UAV đối với lĩnh vực ứng dụng địa tin học (Geomatics), đây cũng là điểm mấu chốt động chạm đến chuyên môn của rất nhiều chuyên gia. Ông Hans-Gerd Maas, Giáo sư chuyên ngành đo vẽảnh hàng không và viễn thám đến từ Trường Đại học Công nghệ Dresden lưu ý về một số loại máy ảnh ghi đo do hãng Phase One sản xuất, Giáo sư cũng khẳng định đây là những loại máy ảnh ghi đo thực sự phù hợp cho các ứng dụng bay chụp ảnh hàng không bằng UAV. Các vấn đề thảo luận dần chia về hai mảng chủ yếu là phần cứng thiết bị và phần mềm ứng dụng. Một số ý kiến của chuyên gia tham dự chỉ rõ rằng, phần mềm đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm liên quan tới ảnh ghi đo chất lượng cao, và thực tiễn cũng cho thấy nhu cầu sử dụng các phần mềm ứng dụng có khả năng xử lý tốt, tích hợp nhiều chức năng đo vẽ để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe trong thực tiễn.

Ông Lutz Bannehr đang trình bày giải pháp ứng dụng máy bay lên thẳng giám sát môi trường khu vực

Giá thành và chất lượng cũng là chủ đề khác được nhiều người quan tâm và bàn thảo tại Oldenburger 3D Days 2015. Người sử dụng chuẩn bị trả bao nhiêu tiền cho một chút thay đổi nhỏ về chất lượng? Ông Thomas Luhmann, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật Đo vẽ hàng không và Địa tin học (IAPG) thuộc Trường Đại học Ứng dụng Khoa học Jade đã chỉ ra rằng, chi phí nghiên cứu phát triển một mẫu máy ảnh ghi đo sử dụng cho thiết bị bay không người lái UAV có thể lên tới hơn 1 triệu EURO. Cuối buổi tọa đàm, phần lớn thành viên tham dự biểu quyết cho việc nghiên cứu phát triển các phần mềm ứng dụng và phần còn lại ủng hộ cho việc nghiên cứu chế tạo máy ảnh ghi đo cao cấp.

NHỮNG THÁCH THỨC

Ngày thứ hai của sự kiện Oldenburger 3D Days 2015 diễn ra với nhiều bài trình bày dành được sự quan tâm đặc biệt, tiếc rằng thời gian có hạn nên các phiên tọa đàm đều được tổ chức song song. Các chủ đề kỹ thuật bao gồm quy trình kiểm tra và định chuẩn cho máy quét laser 3D mặt đất, định chuẩn cho máy ảnh. Chuyên gia Cornelius Konig đến từ hãng Scalypso thuyết trình với chủ đề làm thế nào để sử dụng hiệu quả số liệu quét laser 3D đồng thời cũng cung cấp những thông tin về năng lực của Scalypso. Đặc biệt là giải pháp hiển thị hàng terabytes số liệu quét laser 3D một cách mềm dẻo trong môi trường đồ họa người dùng thân thiện. Ngoài ra Ông Matthias Nauman còn giới thiệu về quá trình triển khai, cũng như cách thức giải quyết những khó khăn gặp phải khi đo đạc thu thập số liệu khu vực đô thị vùng Greifswald bằng cách kết hợp hai công nghệ gồm: đo vẽ ảnh hàng không bằng thiết bị bay không người lái UAV và quét laser 3D mặt đất TLS.

Kết thúc sự kiện Giáo sư Thomas Luhmann, Trưởng ban tổ chức sự kiện Oldenburger 3D-Tage 2015 phát biểu tổng kết “Cũng như mọi năm, Oldenburger 3D-Tage tạo ra một diễn đàn quy tụ những chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, những nhà cung cấp giải pháp hệ thống, các công ty cung cấp dịch vụ, các trường đại học, viện nghiên cứu, người sử dụng … cùng tham gia thảo luận các vấn đề kỹ thuật công nghệ liên quan. Với định hướng nghiên cứu đa ứng dụng song song với định hướng nhu cầu thị trường, Oldenburger 3D-Tage 2015 một lần nữa là nơi trao đổi thông tin liên hệ, nơi trình bày các ý tưởng mới, và đặc biệt quan trọng đây chính là thời điểm phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật thu thập số liệu 3D. Những ý kiến phản hồi đến từ phía khách tham dự sự kiện Oldenburger 3D-Tage 2015 vô cùng tích cực, những ý kiến này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển trong thời gian tới của các giải pháp 3D. Chúng tôi rất mong khách tham dự năm nay sẽ lại đến với sự kiện vào năm sau, hơn nữa sự kiện năm sau sẽ rất đáng nhớ bởi chúng ta sẽ kỷ niệm 15 năm ngày ra đời của Oldenburger 3D-Tage”.

Mọi thông tin xin liên hệ với chúng tôi qua hòm thư: info@anthi.com.vn